TOP những nguyên nhân khiến ổ SSD không đạt tốc độ tối đa
21/08/2024
122
Với tốc độ truy xuất dữ liệu nhanh hơn nhiều so với ổ cứng HDD truyền thống, SSD đã trở thành một thành phần quan trọng trong các máy tính hiện đại.
Các nhà sản xuất thường công bố những thông số ấn tượng về tốc độ đọc và ghi của SSD. Tuy nhiên, nhiều người dùng nhận thấy rằng tốc độ thực tế không đạt được như kỳ vọng và dưới đây là một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
5 lý do khiến tốc độ SSD không được như công bố từ nhà sản xuất
1. Do được test trong điều kiện lý tưởng
Các nhà sản xuất thường đo tốc độ của ổ cứng SSD trong môi trường lý tưởng, nơi các yếu tố gây nhiễu được loại bỏ hoàn toàn như: nhiệt độ phòng ổn định, cấu hình phần cứng tối ưu, và không có tác vụ nền.

Ví dụ, trong điều kiện lý tưởng, sản phẩm Kioxia Exceria Pro có thể đạt tốc độ đọc/ghi lên tới 7300/6400 MB/s. Tuy nhiên, khi sử dụng thực tế, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau, tốc độ này có thể bị giảm đi.
2. Phụ thuộc vào giao thức cũng như chuẩn kết nối
Hiệu suất của SSD cũng bị ảnh hưởng bởi giao thức và chuẩn kết nối. Nếu hệ thống của người dùng chỉ hỗ trợ các chuẩn cũ hơn, thì tốc độ của SSD sẽ bị hạn chế.

Chẳng hạn, Exceria Plus G3 NVMe SSD của Kioxia được trang bị chuẩn NVMe và giao thức PCIe 3.0 hoặc 4.0 để tối ưu hóa băng thông và giảm độ trễ. Nhưng nếu hệ thống của người dùng chỉ hỗ trợ PCIe 3.0 thay vì PCIe 4.0, tốc độ của SSD sẽ không đạt được mức tối đa.
3. Hiệu suất thực tế và quản lý nhiệt độ
Khi SSD hoạt động liên tục, nó có thể tỏa ra nhiệt độ cao. Để bảo vệ các linh kiện bên trong, SSD sẽ tự động giảm tốc độ, một hiện tượng gọi là throttling.
4. Hiệu suất ghi và đọc thực tế
Trong quá trình sử dụng hàng ngày, SSD thường phải xử lý các tác vụ hỗn hợp, bao gồm truy xuất dữ liệu ngẫu nhiên và tuần tự xen kẽ. Điều này khác xa so với điều kiện lý tưởng trong các bài kiểm tra tốc độ, do đó tốc độ thực tế thường không đạt mức tối đa như đã công bố.

Ngoài ra, khi dung lượng SSD gần đầy hoặc dữ liệu bị phân mảnh, hiệu suất cũng bị giảm.
Hiệu suất của SSD cũng bị ảnh hưởng bởi loại NAND được sử dụng (SLC, MLC, TLC, QLC).
5. Firmware và Driver
Việc không cập nhật firmware và driver của SSD cũng có thể ảnh hưởng lớn đến hiệu suất của thiết bị.